"Ông nội Hồng Diễm" được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 85: Từng giữ chức Phó Giám đốc, có con trai là NSƯT, bố vai hiền lành con nhận toàn vai đ/ể/u
Nam NSND gạo cội được biết đến nhiều với những vai diễn chính diện trên sân khấu lẫn phim ảnh và để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả.
Nam diễn viên “không đóng được vai ác”
NSND Đức Trung sinh năm 1939. Thời trẻ, ông từng là pháo binh thuộc Sư đoàn 312. Nam nghệ sĩ được khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật từ lần Đoàn kịch Quân đội đến đơn vị biểu diễn. Sau khi xuất ngũ, ông quyết định thi tuyển và trở thành diễn viên của đoàn kịch.
Ông từng giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, là một trong những gương mặt gạo cội của Nhà hát Tuổi trẻ thời kỳ đầu. Trên sân khấu cũng như các bộ phim, nam diễn viên thường được giao cho các vai diễn chính diện nhờ vóc người cao lớn, gương mặt đạo mạo và cương nghị. Chính những vai diễn đó đã mang đến thành công cho NSND Đức Trung.
Tên tuổi của ông gắn với nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ như Lời thề thứ 9, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng, Sống mãi tuổi 17... Vai diễn khiến nam diễn viên nổi tiếng tự hào nhất chính là lần hóa thân thành Bác Hồ trong vở Lịch sử và nhân chứng.
NSND Đức Trung ở tuổi U90
Bên cạnh sự nghiệp sân khấu, NSND Đức Trung cũng hoạt động phim ảnh. Ông ghi dấu với những nhân vật hiền hậu, tốt bụng trong các phim Tội và tình, Kẻ tử tù tuổi 17, 12A và 4H, Vệt sáng ngược, Phóng viên thử việc...
Gần đây nhất nam diễn viên vào vai ông Phan trong phim truyền hình Hướng dương ngược nắng. Dù chỉ là tuyến vai phụ nhưng ông vẫn được gọi là “ông ngoại quốc dân” vì tính cách thấu hiểu, nhân hậu trong phim.
Trong hơn 40 năm theo nghiệp diễn, NSND Đức Trung cũng từng muốn đa dạng diễn xuất bằng cách nhận vai phản diện nhưng tất cả đều không gây được tiếng vang. Thậm chí, nhân viên đoàn phim còn từng đề nghị ông đừng nhận vai phản diện nữa vì “mặt bác không lừa được ai đâu”.
Diễn viên Đức Trung trong một số bộ phim truyền hình những năm gần đây
Sau hơn 20 năm cống hiến cho Nhà hát Tuổi trẻ, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục gắn bó với sân khấu, miệt mài làm việc cùng đoàn kịch của NSƯT Chí Trung và đào tạo diễn xuất. Đức Trung được vinh danh trong danh sách 77 nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2023.
Đây là một thành quả đáng tự hào vào tuổi xế chiều của người nghệ sĩ gạo cội. Khi nhiều bạn bè và người quen ngạc nhiên hỏi tại sao đến bây giờ ông mới được nhận danh hiệu, Đức Trung chỉ giải thích đơn giản: “Có thể nói cuộc đời làm nghệ thuật của tôi hơn 60 năm chỉ biết cống hiến và cống hiến, quên luôn việc làm hồ sơ. Vì thế ở tuổi 85, tôi mới nhận danh hiệu NSND”.
Cuộc sống bình yên tuổi xế chiều
Hiện tại, NSND Đức Trung và vợ – nhà lý luận và phê bình sân khấu Hồng Việt – đang sống trong căn nhà tập thể tại Hà Nội. Bà Hồng Việt, kém ông 8 tuổi, từng là diễn viên của Đoàn Kịch nói Quân đội cùng chồng, rồi chuyển sang nghiên cứu sân khấu.
Cả hai đều chia sẻ niềm đam mê với sân khấu và nghệ thuật, giữ gìn hôn nhân hạnh phúc suốt hơn nửa thế kỷ. Họ yêu thích cuộc sống tự do, chọn sống riêng và chỉ tụ họp bên con cháu vào cuối tuần.
Để có sức khỏe tốt ở tuổi xế chiều, NSND Đức Trung đi bộ mỗi ngày, tập diễn kịch để luyện trí nhớ.“Các lời mời đóng phim thì vai nào tôi thấy phù hợp mới nhận vì còn phụ thuộc vào sức khỏe nữa. Bây giờ có tuổi nên tôi chỉ làm những gì mình thích”, NSND Đức Trung nói.
Vợ chồng nam NSND có 3 người con, trong đó chỉ có người con cả là diễn viên Lê Tuấn Anh – nối nghiệp bố trong lĩnh vực nghệ thuật. Lê Tuấn Anh sinh năm 1970, bén duyên với nghệ thuật từ rất sớm khi mới 9 tuổi, anh đã được chọn đóng phim nhựa.
Khác với bố mình, Lê Tuấn Anh thường đảm nhận những vai diễn phản diện “giang hồ, xã hội đen” trong nhiều bộ phim truyền hình như Quỳnh Búp Bê, Phố trong làng, Hành trình công lý… Năm 2023, anh được trao tặng danh hiệu NSƯT, mang lại niềm vui nhân đôi cho bố khi Đức Trung cũng nhân danh hiệu NSND trong lần này.
Diễn viên Lê Tuấn Anh trong phim Quỳnh Búp Bê